UBND phường Lê Hồng Phong tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và phổ biến, tập huấn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Thực hiện Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 01/02/2024 của UBND phường Lê Hồng Phong về việc triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở và xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 25/10/2024 của UBND phường Lê Hồng Phong về việc tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường, tập huấn phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn phường Lê Hồng Phong, chiều ngày 01 tháng 11 năm 2024, UBND phường Lê Hồng Phong tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và phổ biến, tập huấn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Võ Ngọc Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Quảng Ngãi; đồng chí Huỳnh Công Thanh, Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND phường; đồng chí Nguyễn Thị Hiền, Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường; cùng đại biểu các ban, ngành, cơ quan, đơn vị, trường học, Hội đoàn thể; cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở phường; cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự và Công an phường; các trường học trên địa bàn phường; đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở phường; Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Bí thư Chi đoàn Thanh niên, Chi hội trưởng các Chi hội, thành viên các Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở khu dân cư, học sinh và nhân dân trên địa bàn phường.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Huỳnh Công Thanh – Phó Chủ tịch UBND phường đã nêu rõ: Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên của Việt Nam được Quốc hội ban hành ngày 27/12/1993, tính đến nay đã trải qua hơn 30 năm. Sau Luật Bảo vệ môi trường năm 1993, Quốc hội lần lượt ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, năm 2014 và năm 2020. Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường là yếu tố bảo đảm an sinh xã hội, tạo nên sự phát triển bền vững. Trải qua 31 năm xây dựng, ban hành, sửa đổi và thực hiện, Luật Bảo vệ môi trường đã kịp thời góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận rằng, các vấn đề về môi trường ở Việt Nam ngày càng gia tăng và ngày càng trở nên cấp bách, đe dọa sự phát triển bền vững của mỗi địa phương và cả đất nước, cản trở việc bảo đảm quyền con người sống trong môi trường, vì vậy, cần phải có chính sách pháp luật môi trường phù hợp để giải quyết. Ngoài ra, vấn đề môi trường là vấn đề toàn cầu, giải quyết vấn đề môi trường cần sự tham gia của toàn nhân loại, của mỗi cộng đồng dân cư, mỗi địa phương và của tất cả các quốc gia trên thế giới. Chúng ta cần chuyển hóa, ghi nhận các cam kết về bảo vệ môi trường vào trong hệ thống pháp luật quốc gia và tham gia tích cực vào các cơ chế toàn cầu và khu vực. Sau 31 năm kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên năm 1993 được thông qua và có hiệu lực, chúng ta đã thể hiện sự nỗ lực trong công cuộc bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. Đồng thời, phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ môi trường ngày càng được mở rộng, đáp ứng các yêu cầu của việc giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam và trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh, nội dung điều chỉnh của Luật Bảo vệ môi trường càng mở rộng thì việc thực thi càng gặp nhiều khó khăn. Cho nên Việt Nam cần bảo đảm các nguồn lực cần thiết để thực thi; các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và cả hệ thống chính trị cần tăng cường tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, giám sát việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường một cách chặt chẽ. So với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có những điểm mới mang tính đột phá, cụ thể như:
1. Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác Bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động bảo vệ môi trường.
2. Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính.
3. Đã định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước.
4. Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
5. Lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương.
6. Lần đầu chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp.
7. Cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước.
8. Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.
9. Tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.
Do vậy, UBND phường tổ chức Hội nghị lần này nhằm mục đích: Tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường đến cán bộ, công chức, viên chức, học sinh và nhân dân; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường; Hướng dẫn cách phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, tại hộ gia đình, giúp tái sử dụng và giảm thiểu lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý tại các bãi rác; Nâng cao nhận thức, ý thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác bảo vệ môi trường trong việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; từng bước hình thành thói quen thực hiện phân loại rác tại nguồn, phân loại rác thải nhựa và hạn chế sử dụng túi ni lông dùng một lần hướng đến không sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày; Trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và phổ biến trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các mô hình đã được áp dụng ở các địa phương; góp phần tuyên truyền pháp luật nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 09/11/2024).
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã được nghe đồng chí Võ Ngọc Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, trình bày những nội dung chính của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và phổ biến, tập huấn cách thức nhận diện, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
HCT